Nguồn: “Báo Bắc Giang điện tử” ngày 16/06/2015
Vải thiều là cây trồng đặc sản có diện tích và sản lượng lớn. Tuy nhiên, quả vải nhanh bị hư hỏng. Do đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để bảo quản vải thiều sau thu hoạch là vấn đề luôn được quan tâm.

Công nghệ CAS
Công nghệ CAS (Cells Alive System) – “Hệ thống tế bào sống”, là sáng chế độc quyền của Tập đoàn ABI (Nhật Bản) được đánh giá là tiên tiến, tích cực nhằm khống chế và tối ưu hóa các thông số bảo quản hải sản, nông sản và thực phẩm. Sau rã đông (ít nhất từ 1-10 năm tùy từng mặt hàng), sản phẩm sử dụng công nghệ CAS vẫn giữ được độ tươi nguyên, giúp bảo quản quản vải thiều trong thời gian từ 1-3 năm. Công nghệ này có thể được sử dụng để chế biến mứt và các sản phẩm khác từ quả vải thiều.
Hiện nay, công nghệ CAS đã được công nhận bằng sáng chế ở Hoa Kỳ, châu Âu và 24 quốc gia khác. Năm 2014, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng – đơn vị được giao nghiên cứu ứng dụng công nghệ CAS đã chọn 7 hộ dân xã Hồng Giang (Lục Ngạn) để thu mua vải tươi. Quả vải được chọn để ứng dụng công nghệ này phải bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGAP (quả sạch, chín đều, có màu đỏ tươi, cùi dày, hạt nhỏ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình…).
Ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, huyện đang tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tiếp nhận, triển khai mô hình trồng vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Hồng Giang với diện tích 60,38 ha để bảo đảm đủ điều kiện, nguồn hàng sẵn sàng phục vụ xuất khẩu. Năm 2014, lần đầu tiên, 10 tấn vải thiều sử dụng công nghệ CAS đã được xuất sang Nhật Bản.
Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phê duyệt dự án ứng dụng công nghệ CAS cho tỉnh Bắc Giang. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở KH&CN làm đầu mối, phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng cùng HTX Bình Minh bảo quản 5 tấn quả vải tươi bằng công nghệ CAS. Dự kiến, trong vụ này, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng sẽ xuất từ 10-20 tấn vải thiều Bắc Giang sang Nhật Bản bằng công nghệ CAS dựa trên vùng nguyên liệu với diện tích 5ha tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn) mà Sở KH&CN đã lựa chọn.
Đồng hành cùng người trồng vải
Cùng với công nghệ CAS, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ của Công ty Juran (Israel) bảo quản tươi quả vải và một số loại quả khác phục vụ xuất khẩu” do Trung tâm Ứng dụng và tiến bộ KH&CN tỉnh Bắc Giang (Sở KH&CN) đã trình và được Bộ KH&CN phê duyệt.
Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Chức, một trong những người tham gia dự án, đây là công nghệ xử lý giữ nguyên màu đỏ tự nhiên và hương vị thơm ngon của quả vải, loại bỏ hiện tượng nâu hóa sau 3 ngày. Quả vải giữ được màu đỏ tươi trong 4-5 tuần. Dây chuyền bảo quản được thiết kế linh hoạt, công suất 1-70 tấn/giờ. Công nghệ này được chế tạo, thử nghiệm, kiểm chứng của Bộ Nông nghiệp Isarel, có bằng sáng chế tại Mỹ năm 2000.
Quả vải sau khi xử lý bằng công nghệ sẽ có đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Năm 2016, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp nhận công nghệ này để xuất khẩu vải thiều sang Mỹ theo đường biển và là tỉnh đầu tiên trong cả nước sở hữu công nghệ của Israel trong bảo quản vải thiều.
Ngoài ra, UBND tỉnh giao cho Sở KH&CN phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam triển khai đề tài khoa học: “Nghiên cứu, ứng dụng, công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải thiều Lục Ngạn bằng màng gói khí quyển biến đổi” (MAP). Theo đó, quy trình bảo quản trái vải tươi được làm sạch sơ bộ, rửa và được bọc trong một màng sinh học gồm các axit lactic, vitamin.
Trái vải có thể giữ được độ tươi ngon từ 2 tuần, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trung bình, mỗi giờ, hệ thống sẽ xử lý được 500 kg vải; nếu nhu cầu bảo quản tăng lên có thể xử lý 15 tấn vải/ngày. Hiện nay, công nghệ này rất phù hợp với việc vận chuyển dài ngày với các thị trường nội địa như TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam hay xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia…
Việc ứng dụng công nghệ vào bảo quản vải thiều sau thu hoạch đang được chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Bắc Giang và Bộ KH&CN đặc biệt quan tâm. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH&CN, do đầu tư ban đầu cao, nên số doanh nghiệp sẵn sàng tham gia cùng thực hiện các dự án chưa nhiều. Tuy nhiên, nếu những công nghệ này được triển khai rộng rãi sẽ góp phần giảm tổn thất trong quá trình bảo quản sau thu hoạch và sức lao động cho người nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân tại vùng trồng vải, khắc phục điệp khúc “được mùa, rớt giá”.
Công Doanh