Cập nhật: ngày 19/06/2015
1.Những yếu kém:
a) Trình độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, thấp và phát triển chưa toàn diện
Mặc dầu nhiều khâu có tỷ lệ cơ giới hóa cao, song trình độ trang bị còn rất lạc hậu, thể hiện hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún; cơ giới hóa mới tập trung chủ yếu cây lúa.
Mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của nước ta thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và châu Á, hiện mới đạt bình quân 1,6HP/ha canh tác, trong khi các nước trong khu vực như: Thái Lan đạt 4HP/ha, Trung Quốc 8HP/ha, Hàn Quốc 10HP/ha.
b) Công tác nghiên cứu khoa học công nghệ về cơ khí nông nghiệp còn nhiều bất cập, chậm chuyển giao vào sản xuất
Năng lực nghiên cứu ứng dụng các máy phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều yếu kém, bất cập. Nhiều đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước và cấp Bộ thuộc lĩnh vực cơ điện nông nghiệp được triển khai, song không ít đề tài chưa gắn với nhu cầu của thực tế, thiếu tính sáng tạo, chưa phù hợp nên không được sản xuất chấp nhận.
Cơ chế nghiên cứu và chuyển giao kết quả các đề tài khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, quá trình từ nghiệm thu đề tài chuyển sang dự án sản xuất thử nghiệm thường kéo dài nên không đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất. Điển hình như các mẫu máy gặt đập liên hợp lúa, máy thu hoạch muối và không ít đề tài khác. Trên thực tế, rất ít sản phẩm hàng hóa, có thương hiệu xuất xứ từ kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp.
Một số sáng chế, sáng kiến, cải tiến máy móc của nông dân được đánh giá cao, song chỉ sản xuất được ở quy mô nhỏ lẻ, đơn chiếc, chắp vá và thiếu tính tiêu chuẩn, nên giá thành cao, hoạt động không ổn định và không thể trở thành sản phẩm hàng hóa.
c) Ngành cơ khí chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp
Ngành cơ khí trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Mới chỉ đáp ứng được 32,6% thị trường song chất lượng các máy còn thiếu ổn định và hầu hết là máy có công suất nhỏ.
Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo, lắp ráp máy động lực và máy nông nghiệp rất ít, mới chỉ có Công ty TNHH KUBOTA Việt Nam.
Các doanh nghiệp Nhà nước chậm đổi mới, các doanh nghiệp tư nhân chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp hầu hết quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu chuyên môn hoá, thiếu hợp tác liên kết tổ chức sản xuất.
Các dự án về máy nông nghiệp thuộc Chương trình cơ khí trọng điểm nhà nước chậm được triển khai (như chế tạo động cơ điezen công suất lớn, các dây chuyền chế biến nông sản…).
Các cơ chế, chính sách đã ban hành tương đối đầy đủ nhưng tính thực thi còn hạn chế, thiếu sự nhất quán, đặc biệt về cơ chế tài chính do nguồn lực còn hạn chế. Đối với chương trình cơ khí trọng điểm các dự án được hỗ trợ theo Quyết định 10/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế tạo động lực, máy nông nghiệp hầu như không được triển khai.
Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định 12/2011/QĐ-TTg cho các dự án sản xuất công nghệ hỗ trợ cơ khí phần lớn có quy mô vừa và nhỏ khó tiếp cận với các cơ chế ưu đãi này.
Chính sách hỗ trợ nông dân mua máy sản xuất nông nghiệp khả năng tiếp cận vốn vay của người dân còn hạn chế do người dân không có tài sản thế chấp.
Cơ chế hỗ trợ tín đụng đầu tư phát triển cho các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp không hấp dẫn các cơ sở đầu tư cơ khí.
d) Kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng cơ giới hóa nông nghiệp
Quy mô đồng ruộng ở nước ta nhìn chung vẫn phân tán, manh mún. Hộ có diện tích lúa dưới 0,5 ha chiếm 85%; từ 0,5 đến dưới 1 ha chiếm 8,5%; từ 1-dưới 2 ha chiếm 4,4% và trên 2 ha chiếm 2,1%, bình quân mỗi hộ có sử dụng đất lúa 0,44 ha đất (số liệu điều tra nông lâm thủy sản năm 2011). Điều này đã hạn chế việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật nội đồng (cứng hoá các mương thuỷ lợi, đường cho di chuyển máy móc…) cũng như việc áp dụng cơ giới hoá có hiệu quả.
Chất lượng các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho phát triển nông nghiệp còn thấp, thiếu đồng bộ, chưa tương xứng nhu cầu phát triển của các vùng, miền. Nhiều hệ thống thuỷ lợi xuống cấp, không đồng bộ nên hiệu quả thấp, tình trạng thẩm thấu lãng phí nước còn khá phổ biến.
Đường giao thông liên vùng, liên xã, đường trong các vùng sản xuất xuống cấp, không đảm bảo kỹ thuật; kho bảo quản, chợ thương mại vừa thiếu lại xuống cấp.
đ) Chất lượng lao động nông thôn thấp, nhiều lao động vận hành, sử dụng máy nông nghiệp không qua đào tạo
Đối với lao động sử dụng máy trong nông nghiệp qua đào tạo còn thấp, nhiều lao động lái máy nông nghiệp không qua đào tạo.
Trước đây cả nước có 5 trường Đại học đào tạo trình độ đại học và sau đại học ngành cơ khí nông nghiệp, thì hiện nay chỉ còn hai khoa Cơ khí thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh. Số thí sinh thi vào ngành CKNN rất ít, việc tuyển sinh không đạt được các chỉ tiêu tuyển sinh, cá biệt năm 2011 không có thí sinh nào đăng ký học ngành CKNN.
Phần lớn người vận hành máy nông nghiệp (kể cả lái xe vận tải nông thôn), không qua đào tạo, không có chứng chỉ, bằng cấp.
e) Công tác quản lý Nhà nước về giám định chất lượng máy động lực, máy nông nghiệp còn lúng túng, hạn chế
Việc xây dựng, rà soát bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về máy nông nghiệp để phù hợp với hội nhập còn chậm, thiếu các rào cản kỹ thuật để ngăn chặn, quản lý nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị nông nghiệp còn hạn chế;
Công tác giám định chất lượng máy nông nghiệp chưa có các quy định cụ thể, mang tính luật hóa;
2. Nguyên nhân:
– Công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất chưa đầy đủ, chưa đảm bảo cho nhu cầu phát triển, cơ giới hoá, hiện đại hoá (qui mô đồng ruộng, giao thông nội đồng);
– Sản xuất nông nghiệp phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, qui mô đồng ruộng manh mún, kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều yếu kém, chưa tạo điều kiện ứng dụng máy móc trong sản xuất;
– Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp (số liệu điều tra 2011, vốn tích lũy bình quân một hộ nông thôn 16,8 triệu đồng) bấp bênh, khả năng tích luỹ để đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn;
– Trình độ sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp của nước ta chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất;
– Quản lý Nhà nước về lĩnh vực cơ khí nông nghiệp chưa được quan tâm đầy đủ; năng lực cán bộ từ Trung ương đến cơ sở vừa thiếu vừa yếu.
Nguồn: Báo cáo đẩy mạnh cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp
của Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối ngày 12/6/2015