Home » Tin tức - Sự kiện » Trang bị động lực, mức độ cơ giới hóa các lĩnh vực ngành nông nghiệp

Trang bị động lực, mức độ cơ giới hóa các lĩnh vực ngành nông nghiệp

Cập nhật: ngày 19/06/2015

Ong Vu Anh Tuan - TP co dien - cuc che bien
Ông Vũ Anh Tuấn – TP Cơ Điện – Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối

Đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, đối với lúa đạt 2,2 HP/ha canh tác, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2008.

Số lượng máy động lực, máy nông nghiệp sử dụng trong nông nghiệp có mức tăng  nhanh, cụ thể: so với năm 2006 số lượng máy kéo tăng  1,6 lần, máy gặt lúa tăng 25,6 lần (tập trung chủ yếu vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 75% số lượng máy gặt trên cả nước), máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 5,8 lần; bơm nước dùng sản xuất nông nghiệp tăng 1,2 lần; một số loại máy giảm về số lượng như: máy tuốt lúa giảm 50% do sử dụng máy gặt đập liên hợp tăng, máy sấy giảm 8% về số lượng nhưng năng lực sấy tăng 20% (máy sấy năng suất nhỏ (1-4 tấn/mẻ) dần thay máy sấy có năng suất lớn (10-30 tấn/mẻ).

Mức độ % cơ giới hoá bình quân các khâu và các loại cây trồng cụ thể như sau:

a) Lĩnh vực trồng trọt:

– Khâu làm đất:  Lúa đạt 92% (tăng gần gấp đối so với năm 2000), cao nhất vùng đồng băng sông Cửu Long đạt 98%, thấp nhất trung du miền núi phía Bắc đạt 45%. Mía đạt 80% ở những vùng sản xuất tập trung, địa hình bằng phẳng, như: Thanh Hóa, Gia Lai, Tây Ninh, Đồng Nai…Ngô: đạt 70%. Sắn đạt 80%. Vùng rau chuyên canh đạt 90%,

– Khâu gieo, trồng: Đối với Lúa gieo bằng công cụ xạ hàng và cấy đạt 30%; Đối với mía trồng bằng máy đạt khoảng 30%  tập trung ở  một số Công ty mía đường như: Quảng Ngãi, Tây Ninh, Đồng Nai, Phú Yên còn các hộ dân trồng thủ công. Cao su: trồng bằng máy đạt 70%.

– Khâu chăm sóc (vun xới, phun thuốc bảo vệ thực vật): Phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa đạt khoảng 60%; xới cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật cho chè, mía đạt khoảng 70%.

– Khâu tưới tiêu: Đến cuối năm 2013, cả nước đã xây dựng trên 20.000 công trình thủy lợi lớn, nhỏ, hồ chứa nước, đã tưới cho trên 7,2 triệu ha gieo trồng; riêng cho cây rau màu đạt 1,5 triệu ha, năng lực tiêu thoát nước cho đất nông nghiệp trên 1,8 triệu ha. Ngành cơ khí phục vụ khâu chủ động tưới tiêu nước đã có tác động tích cực trong quá trình thực hiện cơ giới hoá tưới tiêu.

Đến cuối 2013, toàn quốc hiện có 2.169.868 máy bơm nước các loại, so với 7 năm về trước, số lượng bơm tăng lên 1,67 lần. Tính bình quân trên 100 ha đất nông nghiệp có 6,85 máy bơm; đất trồng cây hàng năm là 0,3 máy.

– Khâu thu hoạch: Đối với Lúa tăng từ 5% năm 2000 lên 42% năm 2014, cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 76%, phía bắc bình quân đạt 20%. Các loại cây trồng khác: Mía chủ yếu thu hoạch thủ công. Hiện nay, một số công ty như: Công ty CP mía đường Biên Hòa, Công ty CP Bourbon Tây Ninh đã đầu tư máy thu hoạch hiện đại John Deere (Mỹ) năng suất 1,5 ha/giờ song, cơ giới hóa thu hoạch đạt khoảng 20%.  Chè: sử dụng máy đốn, hái chè đạt 20%, tập trung ở Nghệ An, Lâm Đồng, Yên Bái, Thái Nguyên. Cà phê: đã ứng dụng một số loại máy thu hoạch bằng tay có năng suất 1,2 -2 tấn/ngày (hiện có khoảng 400 máy), thu hoạch chủ yếu bằng thủ công. Ngô, sắn: chủ yếu thu hoạch bằng thủ công.

– Khâu vận chuyển: Lúa trên đồng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, mía nguyên liệu, thu gom mủ cao su được cơ giới hóa 100% bằng các phương tiện như: ghe, thuyền, romoc, oto…xe nông dụng.

– Khâu bảo quản (sấy, dự trữ): Hiện nay năng lực sấy lúa của ĐBSCL đạt khoảng 55%, chủ yếu máy sấy tĩnh vỉ ngang chiếm khoảng 90%, máy sấy tháp 10% năng lực sấy. Về bảo quản: lúa gạo ở ĐBSCL chủ yếu được chứa trong các nhà kho lớn có nền bê tông và mái tôn (chứa lúa gạo đóng bao) hay các kho chứa với kết cấu thép, dạng hình vuông hoặc chữ nhật để chứa lúa gạo dạng hạt rời (bin chứa bằng thép). Tổng công suất của hệ thống kho chứa lúa gạo hiện nay ở ĐBSCL đạt khoảng 6 triệu tấn nhưng đa số dùng để trữ gạo, kho chứa lúa chiếm tỷ lệ thấp (chỉ có hơn 1 triệu tấn).

Hệ thống kho chứa đã giảm được một phần tổn thất sau thu hoạch và giúp các doanh nghiệp lương thực thuận lợi hơn trong chế biến, kinh doanh và xuất khẩu gạo, nhưng các hệ thống kho chứa này chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật để bảo quản lúa dài ngày từ 6 đến 12 tháng, nhằm phục vụ chiến lược xuất khẩu gạo và an ninh lương thực của đất nước.

Một số ít doanh nghiệp đầu tư hệ thống silo gắn với hệ thống sấy hiện đại để bảo quản lúa dài ngày, đảm bảo chất lượng.

b) Lĩnh vực chăn nuôi:

– Cơ giới hóa chuồng trại: Hộ nuôi gà qui mô công nghiệp sử dụng hệ thống chuồng trại khép kín từ cung cấp nước, thức ăn tự động, tạo tiểu khí hậu và thu gom trứng đạt 33%. Hộ nuôi lợn qui mô công nghiệp sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn con, hệ thống máng ăn, núm uống tự động đạt khoảng 35%.

– Sản xuất thức ăn:  Đối với sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp năm 2014 chiếm khoảng 67%, được sản xuất trên dây chuyền công nghệ và thiết bị tiên tiến, đồng bộ. Hiện có 241 cơ sở,  nhà máy, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, tổng công suất thiết kế 18 triệu tấn (tăng 4,2 lần so với năm 2000; 1,4 lần so với năm 2006). Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt 14 triệu tấn.

– Đối với chăn nuôi nông hộ chăn nuôi trâu, bò đã đầu tư máy thái cỏ, băm rơm, cây đạt 45%.   Hộ chăn nuôi bò sữa sử dụng máy vắt sữa đạt khoảng 60%.

– Mức độ cơ giới hóa đồng bộ (từ khâu sản xuất, chế biến thức ăn, thu gom và chế biến sữa) và áp dụng công nghệ cao tập trung các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa như TH True Milk, Sữa Mộc Châu.

c) Sản xuất muối:

– Khu vực sản xuất muối theo công nghệ phơi cát: Đây là phương pháp sản xuất cổ truyền ở Việt Nam, có diện tích chiếm 14,4 % diện tích sản xuất muối cả nước, đây là vùng sản xuất thủ công, phân tán theo hộ gia đình, năng suất lao động, chất lượng muối thấp, giá thành sản xuất cao. Khoảng 70 – 80% công trình nội đồng cần phải cải tạo nâng cấp. Việc cấp, tiêu nước hầu như dựa hoàn toàn vào tự lưu. Phương tiện vận chuyển ngoài ruộng muối là xe cút kít bằng gỗ, vì vậy người làm muối phải lao động rất cực nhọc, năng suất lao động thấp.

–  Khu vực sản xuất muối theo công nghệ phơi nước phân tán: Diện tích khoảng  chiếm 61% diện tích sản xuất muối toàn quốc. Mức độ cơ giới ở khu vực này khá hơn khu vực phơi cát. Có hơn 5.000 máy bơm nước để cung cấp  nước và bơm nước ra.

– Khu vực sản xuất muối theo công nghệ phơi nước tập trung: Công nghệ phơi nước tập trung, qui mô công nghiệp, chiếm 25,1% diện tích sản xuất muối cả nước. Do sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ kết tinh phân đoạn nên năng suất lao động, chất lượng muối cao, giá thành sản xuất thấp, khoảng 500 đ/kg nên có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vận chuyển muối bằng máy kéo, máy cày, ô tô vận chuyển, băng tải đánh đống muối.

d) Trong lâm nghiệp: Cơ giới hoá tập trung chủ yếu cho khâu chặt hạ (95%) và vận chuyển (80%), khâu trồng, chăm sóc, phòng cháy chữa rừng  chủ yếu thủ công,  khoảng 70% các khâu trong sản xuất cây giống như làm đất, tạo bầu được tiến hành bằng máy; một số mô hình ứng dụng hiệu quả việc canh tác trên đất dốc để làm đất, đào hố trồng rừng nguyên liệu.

đ. Trong khai thác, nuôi trồng thuỷ sản:

Tổng số tàu cá của Việt Nam đến nay có 117.998 chiếc, với tổng công suất 6,45 triệu mã lực; Trong đó: Nhóm tàu hoạt động vùng ven bờ, vùng lộng (20- <90HP): 90.713 chiếc, chiếm 76,8%; Nhóm tàu cá hoạt động xa bờ (công suất ≥ 90 HP):  27.285 chiếc, chiếm 23,12 %; tàu dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản trên biển 2.073 chiếc.

Trong nuôi trồng thủy sản: Kỹ thuật nuôi đơn giản, mô hình nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, hiện tại 28 tỉnh, thành phố đã hình thành 4.522 trang trại, chiếm 22,57% tổng số trang trại trong cả nước, sử dụng 151.261 máy sục khí oxy và thiết bị nuôi trồng thủy sản.

Nguồn: Báo cáo đẩy mạnh cơ giới hóa  tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp

của Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối ngày 12/6/2015

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.