Cập nhật: ngày 23/06/2015
I. Sơ lược những hoạt động chính của ngành công thương trong chế tạo máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp:
1. Sơ lược năng lực sản xuất chế tạo máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp thuộc Bộ Công Thương:
Trong các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) là doanh nghiệp đầu ngành có nhiều sản phẩm máy móc phục vụ nông nghiệp như: động cơ đốt trong các loại, máy kéo, máy vận chuyển, máy xay xát lúa gạo, máy phun thuốc trừ sâu, máy phát điện, vòng bi, hộp số các loại, bơm nước các loại, rulô cao su xay xát, ô tô và linh kiện ô tô v.v…
Năm 2014, các mặt hàng phục vụ nông nghiệp của VEAM tiếp tục phải cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc với số lượng áp đảo và các sản phẩm đã qua sử dụng được nhập khẩu tự do. Thị phần của VEAM tuy chưa lớn nhưng thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu cũng như lợi ích của người nông dân.
Sản phẩm động cơ do tác động suy giảm của thị trường nông sản và thủy sản khiến cho nhu cầu mua sắm động cơ của người nông dân gặp khó khăn. Ngoài ra, việc thay thế dần động cơ diesel bằng động cơ điện trong nuôi trồng thủy sản và gắn vào máy xay xát cũng là những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới sản lượng tiêu thụ động cơ. Bên cạnh đó, đầu tư máy móc của nông dân phụ thuộc rất lớn vào các chính sách và nguồn ngân sách hỗ trợ của địa phương, tuy nhiên tín dụng cho nông dân mua máy móc nông nghiệp trong năm 2014 không đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, sản lượng tiêu thụ động cơ nội địa của VEAM chỉ đạt 70% so với cùng kỳ năm 2013.
Sản lượng máy kéo của VEAM ngày càng được hoàn thiện về mẫu mã và chất lượng, tuy nhiên do chính sách hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp trong năm 2014 có thời gian trễ khá dài, tới tháng 6 năm 2014 mới có các văn bản hướng dẫn việc thực hiện chính sách nên tiêu thụ nội địa của chủng loại sản phẩm này có giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt 95,2%.
Mặt hàng hộp số thủy dùng trong nuôi trồng thủy sản có khởi sắc trở lại từ cuối năm 2013 tới nay, xuất phát từ việc thị trường Hoa Kỳ đã có một số tín hiệu tích cực liên quan đến kiện chống bán phá giá thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm hơn và tập trung vào các thị trường khác như Châu Âu và Trung Quốc. Điều này khiến cho sản lượng sản xuất và tiêu thụ hộp số tăng khá, đạt 77,5% đối với sản xuất và 35,8% đối với tiêu thụ.
Ngoài ra, để tăng khả năng cạnh tranh và nắm bắt xu hướng sản xuất nông nghiệp theo qui mô với các cánh đồng mẫu lớn. VEAM đã tiến hành hợp tác với các đối tác nước ngoài (đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản) để khảo nghiệm các sản phẩm mới phục vụ nông nghiệp như máy cấy lúa và máy kéo 4 bánh. Tiến tới, VEAM sẽ nội địa hóa từng phần để đáp ứng các yêu cầu về giá cả cũng như chất lượng đối với thị trường trong nước. Qua các buổi thao diễn, tập huấn tại địa phương, các sản phẩm này đều nhận được các tín hiệu tích cực từ khách hàng. Qua thực tế cho thấy, cấy bằng máy thu lợi cho người nông dân gần 8 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, để chuyển đổi tập quán canh tác từ cấy tay sang cấy máy đòi hỏi phải trải qua một quá trình thời gian nhất định.
Phương hướng nâng cao năng lực sản xuất máy nông nghiệp của VEAM trong thời gian tới:
Đối với các sản phẩm truyền thống như máy kéo 02 bánh và 04 bánh các loại, VEAM tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển nhằm đưa ra các cải tiến về mẫu mã và chất lượng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngoài các sản phẩm máy nông nghiệp truyền thống, VEAM tiếp tục nghiên cứu đưa vào các loại máy nông nghiệp mới như máy cấy, máy kéo 04 bánh và máy gặt đập liên hợp, tiến tới hợp tác sản xuất máy nông nghiệp với các đối tác nước ngoài có bề dày kinh nghiệm và thương hiệu mạnh trong lĩnh vực sản xuất máy nông nghiệp như Dong Feng (Trung Quốc), Iseki (Nhật Bản) và Tong Yang (Hàn Quốc) nhằm tiếp cận, học hỏi phương thức uản lý sản xuất hiện đại và sản phẩm mới để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, tiến tới mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu đưa ra lộ trình nội địa hóa các sản phẩm để gia tăng giá trị thặng dư của Việt nam. Hiện nay, các sản phẩm máy nông nghiệp mới này đang được triển khai bước đầu ở đồng bằng sông Hồng và triển khai thao diễn ở đồng bằng sông Cửa Long. Thời gian tới tiếp tục đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ như lĩnh vực chế tạo phôi nhằm gia tăng chất lượng và giảm giá thành sản phẩm để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh.
2. Hoạt động triển khai thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp:
Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tại Khoản 6, Điều 2 của Quyết định này quy định “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương trình Chính phủ đề xuất việc bổ sung xe tải nhẹ sức chở đến 3 tấn và xe nông dụng nhỏ nhiều chức năng vào danh mục máy, thiết bị; bổ sung dự án sản xuất xe nông dụng nhỏ nhiều chức năng vào Danh mục các dự án đầu tư theo chủ trương của Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp”. Hiện tại, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện quy định này.
3. Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp thực hiện Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030:
Triển khai thực hiện Quyết định 1342/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp thực hiện Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; ngày 07 tháng 10 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 8984/QĐ-BCT về việc triển khai Chương trình thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp thực hiện Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Hiện tại, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các nội dung của Quyết định số 8984/QĐ-BCT. Tuy nhiên, do chưa bố trí được kinh phí triển khai nên việc thực hiện vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
4. Công tác cổ phần hóa, thực hiện tái cơ cấu ngành cơ khí:
– Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công Thương đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ cử 02 kiểm soát viên tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, phối hợp xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ nêu trên. Đến nay, hoạt động của các kiểm soát viên tại các doanh nghiệp trên đã đi vào nề nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu quả hơn.
Dự kiến, trong năm 2015, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp sẽ hoàn thành quá trình cổ phần hóa để có điều kiện tập trung hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra các sản phẩm máy móc thiết bị có chất lượng và giá cả cạnh tranh hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường và tiến tới xuất khẩu.
5. Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp – nông thôn:
– Thu nhập từ sản phẩm nông nghiệp của nông dân thấp so với nhu cầu mua máy móc phục vụ cơ giới hóa, thay thế lao động thủ công. Hiện các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đều có chính sách hỗ trợ tín dụng cho nông dân rất lớn (có thể đến 50% giá trị máy). Việt Nam chủ yếu hỗ trợ lãi suất vay mua máy. Một số địa phương (tỉnh, huyện) có chính sách hỗ trợ riêng, nên thúc đẩy khá mạnh nhu cầu cơ giới hóa.
– Vì sức mua thấp, nên máy móc đa qua sử dụng (second hand) được nhập khẩu và sử dụng chiếm tỉ trọng khá lớn. Máy móc có nguồn gốc từ Trung Quốc giá rẻ được nhập khẩu từ nguồn linh kiện chất lượng thấp, lắp ráp tại Việt Nam khá phổ biến, thậm chí nhái các thương hiệu của chính các nhà sản xuất Trung Quốc.
– Về hàng rào kĩ thuật: Do Việt Nam chưa có tiêu chuẩn áp dụng cho máy móc phục vụ nông nghiệp, nên máy second hand, máy nhập khẩu chất lượng thấp được tự do nhập khẩu. Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc ngành chế tạo máy có cơ hội phát triển, vì các máy móc chất lượng thấp không đáp ứng yêu cầu kĩ thuật không thể thâm nhập thị trường.
Việc nhập khẩu máy móc cũ cũng tạo ra lợi nhuận cao hơn hẳn trong hoạt động thương mại, nên việc phân phối sản phẩm mới bị hạn chế.
Về gian lận thương mại: Các máy móc cơ khí phục vụ nông nghiệp của các doanh nghiệp cơ khí trong nước đều bán với giá có thuế VAT (5% ~ 10%) trong khi các thiết bị, máy móc từ nhiều nguồn khác được bán không có hóa đơn thuế, hoặc với giá khai báo tính thuế rất thấp nên đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, rối loạn thị trường.
II. Một số kiến nghị nhằm thúc đẩy sản xuất máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp
– Nâng cao sức mua của nông dân: cần có chiến lược quốc gia để nâng cao giá trị sản phẩm và sản xuất nông nghiệp nhằm tăng thu nhập, sức mau của người nông dân. Các chiến lược này có thể là thay đổi về hạn mức đất, khuyến khích cánh đồng mẫu lớn, quy hoạch và thay đổi co cấu cây trồng để có thể ứng dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp, tạo điều kiện thị trường cho ngành sản xuất máy nông nghiệp.
– Áp dụng thuế VAT 0% đối với động cơ nhỏ và máy nông nghiệp kể cả phụ tùng linh kiện máy nông nghiệp. Xuất phát từ giá trị thu thuế của các loại máy nông nghiệp kể cả phụ tùng linh kiện máy nông nhiệp không đán kể vì sản phẩm nhập khẩu thị phần lớn thì không thu được thuế do gian lận thương mại, thường khai giá dưới 10% so với giá thực nhập, sản phẩm sản xuất trong nươc thu được đủ thuế thì thị phần lại nhỏ.
– Chống gian lận thương mại: Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại để tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.
– Hỗ trợ kinh phí mua máy nông nghiệp: theo kinh nghiệm của một số nước, Chính phủ có chính sách hỗ trợ rất lớn cho nông dân để có thể đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, thường đến 50% giá trị máy. Đề nghị Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ kinh phí mua máy móc nông nghiệp sản xuất trong nước mang tính thống nhất, ổn định và lâu dài. Hiện tại ngân sách hỗ trợ chủ yếu từ nguồn ngân sách địa phương và mức hỗ trợ cũng khac nhau giữa các địa phương. Các thủ tục tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ cho nông dân cần phải đơn giản, dễ thực hiện./.
Phạm Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng
Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công Thương