Nguồn: “VietQ.vn” ngày 21/06/2015
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhằm nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng của Quảng Ninh.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp xác định việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất nông nghiệp là khâu then chốt đây cũng là một trong những trọng tâm xây dựng nông thôn mới.
Nghị quyết chuyên đề về khoa học công nghệ của tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến chính sách về đào tạo thu hút nguồn nhân lực, cơ chế tài chính để hỗ trợ việc ứng dụng chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực sản xuất.
Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 14 dự án cấp nhà nước thuộc chương trình nông thôn miền núi, 33 dự án cấp tỉnh và 64 dự án cấp cơ sở phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi với tổng kinh phí 144,8 tỷ đồng để chủ động sản xuất những cây trồng, vật nuôi chủ lực có lợi thế của tỉnh.
Hiện nay toàn ngành có 3 đơn vị được công nhận là đơn vị khoa học công nghệ gồm Trung tâm khoa học và sản xuất lâm, nông nghiệp; Trung tâm khoa học kỹ thuật và sản xuất Giống thuỷ sản và Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Sở đã không ngừng đầu tư và phát triển khoa học công nghệ thuộc các lĩnh vực quan trắc và phân tích môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản; kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản, thú y,…
Đến nay, Sở đã có 1 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS. Trong ngành đã được đầu tư nâng cấp hệ thống phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật; hệ thống nhà kính, nhà màng nilon ươm cây giống và hệ thống ươm giống thuỷ nước ngọt công nghệ cao.
Trong giai đoạn từ năm 2010-2014 công tác nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ trong sản xuất được Sở quan tâm chỉ đạo thực hiện với 1 đề tài khoa học cấp nhà nước, 8 đề tài khoa học cấp tỉnh, 1 dự án ứng dụng sản xuất. Ngành đã nghiên cứu xây dựng và ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh. Toàn ngành có 22 giải pháp tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ III và lần thứ IV, có 6 giải pháp được lựa chọn trao giải, 2 giải pháp tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc đã đạt giải 3.
Báo Quảng Ninh dẫn lời ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Với quan điểm lấy doanh nghiệp làm nòng cốt để tiếp nhận chuyển giao công nghệ; doanh nghiệp thực hiện mô hình mẫu và phối hợp với cơ quan khoa học để chuyển giao hướng dẫn cho người dân cùng thực hiện. Từ đó tạo ra các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm có chất lượng tốt đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Nhiều vùng sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ cao được hình thành như: Vùng hoa chất lượng cao Hoành Bồ; vùng rau an toàn Quảng Yên; vùng trồng và chế biến nghệ dược liệu tại Đông Triều trên đất trồng vải giá trị thấp; sản xuất giống và nuôi thương phẩm gà Tiên Yên; trồng và chế biến dong riềng tại Bình Liêu; sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua biển Quảng Yên; ứng dụng công nghệ sản xuất, chế biến cây dược liệu; sản xuất giống nhuyễn thể chất lượng cao…
Với cách làm này, đến nay nhiều hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn được hình thành và phát triển với 220 tổ hợp tác, 291 hợp tác xã. Kinh tế trang trại, gia trại phát triển mạnh và từng bước khẳng định vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Thu Trang