Cập nhật: ngày 11/07/2015
I- Thực trạng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp:
Theo số liệu thống kê của Cục Chế biến NLTS & NM, so với các nước trong khu vực, mức độ cơ giới hoá nông nghiệp của Việt Nam còn thấp, trang bị động lực bình quân đạt 1,2 CV/ha canh tác. Trong đó vùng ĐBSCL 1,85 CV/ha có mức độ trang bị động lực cao nhất toàn quốc; đồng bằng sông Hồng 0,85 CV/ha; thấp nhất vùng miền núi phía Bắc 0,39 CV/ha. Cả nước hiện nay có trên 400 nghìn máy kéo các loại sử dụng trong nông lâm thủy sản, trong đó sử dụng trong nông nghiệp chiếm 98,4%, với tổng công suất khoảng 5 triệu mã lực (CV), tăng 2,7 lần so với năm 2001. Trong đó máy kéo 2 bánh dưới 12 CV chiếm 67%, máy kéo trên 12 CV đến 35 CV chiếm 27%, máy kéo lớn (trên 35 CV) chiếm 6%. Cơ giới hoá chủ yếu trong trồng lúa và tập trung ở các khâu khâu làm đất, tưới tiêu, tuốt đập và vận chuyển. Khâu gieo cấy, chăm sóc chủ yếu vẫn làm thủ công. Mức độ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có 1 số vấn đề sau:
– Đối với các tỉnh phía Bắc do điều kiện địa hình đồng ruộng không bằng phẳng, cơ sở hạ tầng về thuỷ lợi chưa hoàn toàn chủ động, ruộng nhỏ lẻ, manh mún, bình quân diện tích mỗi mảnh ruộng chỉ tăng từ 1 sào/mảnh lên 3 sào/mảnh (360 m2/sào) việc dồn điền đổi thửa còn rất chậm, sản xuất tự phát theo phương thức tiểu nông, không quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung nên chưa thể áp dụng cơ giới hoá đồng bộ.
– Công nghệ chế tạo máy trong nước còn nhiều hạn chế, chủng loại máy còn nghèo nàn, chất lượng máy còn ở mức thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và chưa được nông dân chấp nhận. Máy móc đưa vào sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài và có giá rất cao trong khi khả năng về kinh tế của người sản xuất còn rất yếu.
– Nhà nước chưa có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân trong việc đầu tư mua sắm máy phục vụ cho sản xuất. Thủ tướng đã có Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 /10 /2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, theo đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 50% lãi suất đối với các loại máy móc, thiết bị có giá trị sản xuất trong nước trên 60% và có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, tuy nhiên hầu hết máy móc nông dân mua sắm đều là máy nhập khẩu từ nước ngoài (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…) nên không được hưởng hỗ trợ theo quyết định này.
II. Kết quả triển khai các dự án khuyến nông về cơ giới hóa:
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới với trọng tâm là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Từ những năm 2000 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đề xuất với Bộ về hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông về áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp (bao gồm các khâu từ sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản đối với từng loại cây trồng vật nuôi) và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt cho thực hiện. Cụ thể như sau:
1. Giai đoạn từ năm 2000 – 2010:
1.1. Đối với sản xuất lúa:
Phần lớn các mô hình tập trung chủ yếu trong các khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc và thu hoạch, chế biến bảo quản trong sản xuất lúa như:
+ Mô hình cơ giới hóa khâu làm đất bằng các máy làm đất có công suất nhỏ từ 8 – 16 ML.
+ Mô hình gieo lúa thẳng hàng bằng công cụ sạ hàng.
+ Mô hình máy gặt đập liên hợp lúa, chủ yếu thực hiện tại các tỉnh phía nam.
+ Mô hình máy sấy lúa và nông sản quy mô hộ, nhóm hộ.
Các mô hình được triển khai tại các tỉnh vùng đồng bằng và đã đem lai hiệu quả cao trong sản xuất lúa, tăng năng suất lao động, khắc phục tình trạng ngày càng thiếu lao động nông nghiệp, giảm tổn thất đáng kể trong và sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và giá trị thóc thương phẩm.
1.2. Đối với các cây trồng khác:
– Cây chè: Tập trung xây dựng các mô hình tại các vùng sản xuất chè trọng điểm như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lâm Đồng….
+ Đã xây dựng các mô hình về máy hái chè, máy đốn cành chè;
+ Mô hình chế biến chè xanh quy mô hộ (Thay thế các thùng sao tôn thường bằng các thùng sao Inox và sử dụng các máy vò chè công suất nhỏ) nhằm nâng cao chất lượng chè chế biến và giảm tổn thất trong thu hoạch, chế biến chè.
+ Mô hình về tưới tiết kiệm nước cho cây chè bằng thiết bị tưới phun mưa đã mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất chè, khắc phục tình trạng khô hạn tại các vùng núi cao, tăng lứa chè thu hoạch vụ đông.
– Cây hoa:
+ Đã xây dựng các mô hình về tưới tiết kiệm nước cho hoa bằng phương pháp tưới nhỏ giọt.
+ Mô hình về thu hái và bảo quản hoa tươi bằng công nghệ tiên tiến.
– Ngoài ra có một số mô hình khác như: Mô hình máy chế biến cà phê ướt cho vùng Tây Nguyên; Mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây cam tại Hà Tĩnh, Hà Giang; mô hình máy băm thái rau cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc; mô hình máy vắt sữa bò; Các mô hình áp dụng cơ giới hóa trong phát triển ngành nghề nông thôn. Các mô hình máy sấy nông sản (sấy ngô, sắn…).
Các mô hình được triển khai đã giúp nông dân tiếp cận khoa học công nghệ mới về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, tuy nhiên quy mô mô hình còn quá nhỏ, mức hỗ trợ của nhà nước còn quá thấp (20% cho vùng đồng bằng, 30% cho vùng miền núi…) trong khi giá máy lại quá cao, nông dân còn nghèo không có tiền để đầu tư mua sắm máy móc phục vụ cho sản xuất, cơ sở hạ tầng đồng ruộng chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ giới hóa nên hiệu suất sử dụng máy chưa cao. Trung ương và các địa phương cũng đã có một số chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư mua máy phục vụ sản xuất nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp để khuyến khích nông dân đầu tư áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nên các mô hình chưa được nhân rộng.
2. Từ năm 2011 đến nay:
Thực hiện Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 về khuyến nông; Thông tư 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 về hướng dẫn thực hiện NĐ 02/2010/ NĐ-CP; Các hoạt động khuyến nông trung ương được triển khai theo dự án với quy mô vùng miền đại diện cho các vùng sinh thái trong cả nước. Các dự án khuyến công đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt để thực hiện, cụ thể như sau:
2.1. Dự án: Cơ giới hóa trong sản xuất lúa
Dự án được triển khai tại 30 tỉnh với các mô hình “Cơ giới hóa khâu làm đất”, mô hình “Cơ giới hóa khâu thu hoạch” và được triển khai thực hiện trong 3 năm (2011-2013) với tổng kinh phí dự án 25, 5 tỷ đồng. Kết quả cụ thể:
– Mô hình “Cơ giới hóa khâu làm đất”:
Trong 3 năm thực hiện dự án đã xây dựng được 67 mô hình tại 19 tỉnh vùng trung du, miền núi với 345 máy làm đất đa năng được đưa vào sản xuất.
Vào thời điểm này đối với các tỉnh đồng bằng khâu làm đất đã được cơ giới hóa toàn bộ, do vậy mô hình được triển khai tập trung ở vùng trung du, miền núi, nơi có điều kiện địa hình phức tạp, ruộng nhỏ lẻ manh mún, khâu làm đất chủ yếu vẫn bằng trâu bò và lao động thủ công, người dân chưa tiếp cận với các loại máy móc nông nghiệp.
Máy làm đất đa năng đưa vào xây dựng mô hình chủ yếu là loại máy 1Z-41A do Trung Quốc sản xuất, giá cả hợp lý, máy nhỏ gọn, tiết kiệm nhiên liệu, dễ di chuyển, phù hợp làm đất trên các mảnh ruộng nhỏ lẻ, bậc thang, địa hình phức tạp. Máy có nhiều tính năng tác dụng làm đất ruộng nước để cấy lúa và làm đất ruộng cạn, rạch hàng đánh luống để trồng cây rau màu, chăm sóc cây ăn quả và cây công nghiệp. Được nông dân trong vùng hưởng ứng tham gia. Tuy nhiên máy do Trung Quốc sản xuất nên chất lượng chưa cao, vẫn sảy ra hỏng hóc vặt; hệ thống làm mát bằng nước nên nhanh bị nóng máy làm giảm năng suất lao động.
Đưa máy làm đất đa năng vào sản xuất đã làm tăng năng suất lao động từ 10-15 lần so với lao động thủ công, giảm đáng kể chi phí trong khâu làm đất 28-32%.
– Mô hình “Cơ giới hóa khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp”:
Trong 3 năm thực hiện dự án đã xây dựng 79 mô hình tại tỉnh, với 79 máy gặt đập liên hợp lúa các loại được đưa vào sản xuất, bao gồm:
+ 17 mô hình tại các vùng khó khăn của 9 tỉnh miền núi phía Bắc, với 17 máy gặt đập liên hợp mini có chiều rộng cắt 1.000mm, máy nhỏ gọn, dễ di chuyển phù hợp với điều kiện địa hình bậc thang, ruộng manh mún của vùng núi cao.
+ 30 mô hình tại các vùng trung du thuộc 10 tỉnh, với 30 máy gặt đập liên hợp có chiều rộng cắt từ 1.200mm – 1.600mm.
+ 32 mô hình tại các vùng đồng bằng thuộc 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ và vùng đồng bằng Sông Cửu long, với 32 máy gặt đập liên hợp có chiều rộng cắt từ 1.500mm trở lên.
Các loại máy đưa vào sản xuất chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc…
Việc sử dụng máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa đã tăng năng suất thu hoạch từ 30 – 70 lần (tùy loại máy), giúp nông dân giảm được 30 – 40% chi phí so với thu hoạch bằng thủ công, đồng thời giảm tỷ lệ thất thoát trong thu hoạch xuống còn <2%.
Tuy nhiên đối với các tỉnh phía Bắc việc đưa máy gặt đập LH vào thu hoạch lúa vẫn còn nhiều khó khăn do vẫn chưa thực hiện dồn điền đổi thửa, ruộng đất còn nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi còn yếu kém hạn chế việc di chuyển và vận hành máy.
Ngoài xây dựng mô hình trình diễn dự án còn tổ chức 114 lớp tập huấn gắn với các mô hình về kỹ thuật vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng máy cho nông dân của các địa phương khác trong huyện, tỉnh (63 lớp tập huấn về máy gặt đập liên hợp với 1.890 nông dân được tập huấn và 51 lớp về máy làm đất đa năng với 1.530 nông dân được tập huấn kỹ thuật) nhằm trang bị kiến thức về kỹ thuật vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng máy cho người sử dụng máy, nâng cao hiệu quả sử dụng máy trong sản xuất lúa, nâng cao nhận thức của người dân về áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nhân rộng mô hình.
Thông qua xây dựng các mô hình trình diễn để tổ chức thông tin tuyên truyền về hiệu quả của dự án, mời nông dân ngoài mô hình đến tham quan học tập để áp dụng vào thực tiễn sản xuất của địa phương. Số lượng máy làm đất và máy gặt đập liên hợp được đưa vào sản xuất tại các địa phương đã tăng lên đáng kể. Một số địa phương đã có chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư mua sắm máy, hỗ trợ khuyến khích dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, cải tạo nâng cấp hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng tạo điều kiện để tăng cường sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất.
2.2. Dự án: Cơ giới hóa trong sản xuất mía
Trong những năm qua, cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương, giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động. Tuy nhiên việc áp dụng cơ giới hóa chưa đồng bộ, hầu hết các khâu canh tác mía (chăm sóc, thu hoạch, bốc xếp…) đều bằng thủ công, mới chỉ cơ giới hóa được khâu làm đất (với diện tích vùng mía tập trung của các nhà máy trên 80% đã được cơ giới hoá hoá khâu làm đất) do vậy năng suất lao động rất thấp, thiếu lao động nông nghiệp lúc mùa vụ khẩn trương, giá thuê nhân công cao, chi phí cho sản xuất là rất lớn. Hiệu quả sản xuất mía thấp.
Năm 2011 dự án “Cơ giới hóa trong sản xuất mía“ được Bộ Nông nghiệp phê duyệt để thực hiện từ năm 2011-2013. Dự án được triển khai tại 13 tỉnh sản xuất mía trọng điểm, đã xây dựng 59 mô hình cơ giới hóa khâu làm đất và chăm sóc mía với 354 máy làm đất đa năng 1Z-41B được đưa vào sản xuất; 28 mô hình cơ giới hóa khâu nâng xếp mía với 137 máy nâng xếp mía được đưa vào sản xuất.
Riêng mô hình cơ giới hóa thu hoạch bằng máy chặt mía rải hàng, máy chưa phù hợp với thực tế canh tác mía hiện nay của các địa phương, sản xuất không theo đúng quy trình kỹ thuật, trồng không theo hàng lối, khoảng cách giữa các hàng quá hẹp, mặt luống mấp mô nên không thể đưa máy vào thu hoạch được.
Đưa máy làm đất, chăm sóc mía và máy nâng bốc xếp mía vào sản xuất mía đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí trong từng khâu sản xuất (Đối với khâu làm đất đã giảm được 50 – 55% chi phí, tăng thu nhập cho người sản xuất khoảng 4,5 triệu đồng/ha; Đối với khâu nâng xếp mía đã giảm được 50 – 70% chi phí, tăng thu nhập cho người sản xuất khoảng 1,8 – 2,0 triệu đồng/ha).
Ngoài xây dựng mô hình trình diễn dự án còn tổ chức 84 lớp tập huấn gắn với các mô hình về kỹ thuật vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng máy cho nông dân của các địa phương khác trong huyện, tỉnh (28 lớp tập huấn về máy nâng xếp mía với 840 nông dân được tập huấn và 56 lớp về máy làm đất, chăm sóc mía với 1.680 nông dân được tập huấn kỹ thuật) nhằm trang bị kiến thức về kỹ thuật vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng máy cho người sử dụng máy, nâng cao hiệu quả sử dụng máy trong sản xuất mía, nâng cao nhận thức của người dân về áp dụng cơ giới hóa.
2.3. Dự án: Xây dựng tổ hợp tác và áp dụng cơ giới hóa tổng hợp trong sản xuất ngô.
Dự án triển khai trong 2 năm 2012 – 2013, đã xây dựng 35 mô hình: cơ giới hóa khâu làm đất với 54 máy làm đất đa năng; cơ giới hóa khâu gieo trồng với 54 máy tra hạt ngô; Cơ giới hóa khâu chăm sóc với 159 máy xới cỏ bón phân cho ngô; cơ giới hóa khâu thu hoạch với 8 máy thu hoạch ngô tại 14 tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc, Trung Bộ và Tây nguyên, vùng Nam Bộ trên tổng diện tích xây dựng mô hình 1.600 ha.
Tổ chức tập huấn kỹ thuật vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng máy cho hơn 1.700 người trực tiếp tham gia mô hình và cho hơn 1.000 nông dân ngoài mô hình. Tổ chức 35 hội nghị đầu bờ cho hơn 2.000 nông dân đến tham quan học tập, thông tin tuyên truyền để nhân rộng mô hình.
Dự án đã xây dựng được các mô hình về liên kết sản xuất, áp dụng đồng bộ các khâu từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch ngô. Giúp nông dân chuyển đổi phương thưc sản xuất từ cá thể sang liên kết nhóm hộ, quy hoạch đồng ruộng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung tạo điều kiện để áp dụng đồng bộ các khâu cơ giới hóa trong sản xuất ngô góp phần tăng năng suất lao động từ 10 – 15 lần, giảm chi phí sản xuất 20 – 30%, sử dụng máy xới cỏ bón phân đã tiết kiệm đáng kể lượng phân bón đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón.
Áp dụng đồng bộ các khâu cơ giới hóa trong sản xuất ngô, nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả trong sản xuất ngô, góp phần ổn định và phát triển diện tích trồng ngô, phù hợp với định hướng của ngành về chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả.
2.4. Dự án: Xây dựng mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây chè.
Dự án triển khai từ năm 2013 – 2015 với 18 mô hình được thực hiện tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Hà Tĩnh. Năm 2013-2014 đã xây dựng 12 mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây chè bằng thiết bị tưới phun mưa di động (tổng số máy tưới đưa vào sản xuất là 36 bộ máy, 3 bộ máy /1 mô hình) trên tổng diện tích 60ha chè, dự án nhằm giúp nông dân tiếp cận với công nghệ tưới đa năng kết hợp phun thuốc trừ sâu, mô hình có vốn đầu tư thấp khắc phục tình trạng khó khăn về kinh phí đầu tư cho hệ thống tưới (với công nghệ tưới phun mưa di động giảm được chi phí đầu tư, không phải lắp đặt hệ thống đường ống trên nương chè đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng đồng bộ các thiết bị cơ giới hóa trong chăm sóc và thu hái chè, nâng cao năng suất, chất lượng chè, tăng lứa chè thu hoạch (tăng 10-15% sản lượng chè thu hoạch vụ đông), giảm 30-35% chi phí khâu tưới chè, tăng thu nhập cho người sản xuất chè, góp phần đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn.
Thông qua xây dựng mô hình đã tổ chức các hội nghị đầu bờ cho trên 700 lượt nông dân trong vùng đến tham quan học tập, thông tin tuyên truyền để nhân rộng mô hình. Tổ chức 12 lớp tập huấn về kỹ thuật vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng máy tưới cho gần 500 lượt nông dân ngoài mô hình.
Với những ưu điểm như trên dự án được nông dân các vùng trồng chè đánh giá cao và hưởng ứng tham gia, tuy nhiên dự án triển khai cũng còn gặp không ít những khó khăn như: Địa hình nương chè có độ dốc cao, nhỏ lẻ manh mún, nông dân trồng chè không theo hàng lối, khoảng cách hàng hẹp, không theo đường đồng mức, việc di chuyển máy trong quá trình làm việc gặp nhiều khó khăn làm giảm hiệu suất sử dụng máy, các đơn vị triển khai hầu hết đều không có cán bộ có chuyên môn về cơ khí thủy lợi.
2.5. Dự án: Xây dựng mô hình hệ thống sấy lúa 30-50 tấn/mẻ tại một số tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.
Dự án triển khai thực hiện từ năm 2012 – 2014 đã xây dựng được 35 mô hình tại 9 tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long với 35 hệ thống lò sấy tĩnh vỉ ngang có công suất từ 30 – 50 tấn/mẻ.
Dự án triển khai đã đáp ứng nhu cầu của sản xuất lúa của các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long nhất là công đoạn sau thu hoạch đối với vụ lúa hè thu vào mùa lũ lên, mưa nhiều, không phơi được.
Dự án đã đem lại hiệu quả cao trong sản xuất lúa, giải quyết các vấn đề về:
– Tăng năng suất lao động, khắc phục tình trạng thời tiết bất thuận khi thu hoạch, thiếu lao động nông nghiệp lúc mùa vụ khẩn trương.
– Giảm chi phí khâu phơi khô 30% so với phơi thủ công.
– Giảm thất thoát sau thu hoạch từ 4-5% xuống còn 1%, lúa được sấy khô kịp thời nên chất lượng thóc thương phẩm được nâng cao, giá thóc thương phẩm vì thế cũng được tăng thêm khoảng 100 đ/kg, tăng thu nhập cho người sản xuất lúa.
Tuy nhiên do vốn đầu tư quá lớn, nông dân khó có khả năng đầu tư xây dựng hệ thống sấy, chủ yếu do các cơ sở thu mua lúa mới đủ khả năng để đầu tư và sử dụng có hiệu quả hệ thống sấy.
2.6. Dự án: Xây dựng mô hình tổ hợp tác và áp dụng cơ giới hóa tổng hợp trong sản xuất chè.
Dự án được triển khai tại 17 tỉnh có diện tích sản xuất chè lớn trong cả nước, dự án triển khai từ năm 2011 – 2013, đã xây dựng 51 mô hình với tổng diện tích 153 ha chè kinh doanh, sử dụng đồng bộ máy đốn chè, máy hái chè, máy phun thuốc trừ sâu.
Dự án đã hỗ trợ 51 máy đốn chè ERS1200, 51 máy sửa tán chè E7H, 51 máy cắt cành la EW17, 102 máy hái chè đơn AM-110EB, 51 máy phun thuốc bảo vệ thực vật DC-25. (mỗi mô hình hỗ trợ đồng bộ 01 máy đốn chè, 01 máy cắt cành la, 01 máy sửa tán chè, 02 máy hái chè, 01 máy phun thuốc BVTV).
Tổ chức tập huấn kỹ thuật vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng máy cho hơn 500 người trực tiếp tham gia mô hình và cho 2.500 nông dân ngoài mô hình, giúp nông dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới, thay đổi tập quán sản xuất chè tự phát, thủ công sang quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất chè nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất chè. Tổ chức hội nghị đầu bờ cho hơn 1.500 nông dân đến tham quan học tập, thông tin tuyên truyền thúc đẩy nhân nhanh mô hình ra diện rộng.
Dự án triển khai đã đem lại hiệu quả cao trong sản xuất chè, đẩy nhanh ứng dụng các thiết bị mới và quy trình TBKT mới vào các khâu canh tác để giải quyết vấn đề tăng năng suất lao động từ 30 – 40 lần so với lao động thủ công khắc phục tình trạng thiếu lao động nông thôn; Kiểm duyệt được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện các quy trình kỹ thuật sản xuất theo VietGap, theo đánh giá thực tế hái chè bằng máy đã giảm được 50-70% số lần phun thuốc trừ sâu, nâng cao chất lượng chè búp tươi; Hạ giá thành sản phẩm, giảm 50% trong sản xuất chè búp tươi, tăng thu nhập cho người trồng chè, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất chè lên 20 – 40%.
III. Kiến nghị và đề xuất:
Áp dụng cơ giới hóa tổng hợp trong sản xuất nông nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng về phát triển nông nghiệp. Cơ giới hóa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng năng suất lao động, đảm bảo kịp thời vụ, khắc phục tình trạng thiếu lao động lúc mùa vụ khẩn trương và thời tiết bất thuận, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch xuống còn <2%, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp góp phần ổn định diện tích cây trồng nông nghiệp trong bối cảnh đất cho các khu công nghiệp lấn dần diện tích sản xuất nông nghiệp, tình trạng nông dân bỏ ruộng do sản xuất nông nghiệp không hiệu quả ngày càng gia tăng.
Để đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đề nghị các cấp, các ngành, địa phương có những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ để nông dân đầu tư mua sắm máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất.
Ở Trung ương:
– Tăng cường hỗ trợ xây dựng các dự án về áp dụng cơ giới hóa tổng hợp trong sản xuất nông nghiệp, tổ chức hội nghị đầu bờ, thông tin tuyên truyền để nhân rộng mô hình. Tuy nhiên từ năm 2014 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã không phê duyệt các dự án khuyến nông về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
– Có chính sách giúp nông dân được vay vốn đầu tư mua sắm máy móc phục vụ cho sản xuất (kể cả các loại máy nhập khẩu từ nước ngoài).
– Hỗ trợ các viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất máy nghiên cứu chế tạo các loại máy móc có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất và canh tác của các địa phương. Các cơ quan nghiên cứu cần có những chương trình nghiên cứu ứng dụng thiết thực hơn, tạo ra được những máy móc thiết bị đáp ứng được nhu cầu thực tế sản xuất nông nghiệp của các địa phương.
Ở địa phương:
– Các tỉnh cần có các chủ trương chính sách hỗ trợ về dồn điền đổi thửa, khuyến khích quy hoạch đồng ruộng, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
– Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hiệu quả của các mô hình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức đào tạo tập huấn cho nông dân, giúp nông dân tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp để áp dụng vào sản xuất.
– UBND các tỉnh cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân trong tỉnh (Về vốn, kỹ thuật, thúc đẩy dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung…) tạo điều kiện để nông dân đầu tư mua sắm máy móc thiết bị. Có kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh.
– Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cần quan tâm đào tạo về nghiệp vụ khuyến nông và chuyên môn vê các lĩnh vực cơ khí, chế biến bảo quản, thủy lợi cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật từ tỉnh đến huyện để tổ chức xây dựng các mô hình khuyến nông về cơ giới hóa./.
Nguồn: “Kết quả của chuyển giao các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp″ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Hội nghị Cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 2015